Hướng dẫn nghiên cứu từ khoá bằng công cụ Google Keyword Planner

Nghiên cứu từ khóa là một nhiệm vụ rất quan trọng trong làm SEO (Search Engine Optimization) và SEM (Search Engine Marketing). Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của SEO cũng như quảng cáo tìm kiếm (SEM). Nếu bạn là một người mới làm SEO hoặc muốn xây dựng một blog/ website để kinh doanh, viết lách thì bài viết này dành cho bạn. Mình sẽ hướng dẫn bạn cách nghiên cứu từ khoá bằng công cụ Google Keyword Planner một cách cơ bản và đơn giản nhất để bạn hiểu và vận dụng, sau đây là nội dung chi tiết.

Từ khoá là gì ?

Hiểu một cách đơn giản, từ khóa là một từ hoặc cụm từ mà người dùng nhập vào công cụ tìm kiếm (tiêu biểu như: Google, YouTube, Facebook,…) để tìm thông tin, tư liệu, sản phẩm, dịch vụ .. mà họ cần.

Từ khóa là gì?
Từ khóa là gì?

Ví dụ về từ khóa:

  • Theo mục đích tìm kiếm: Website là gì, SEO là gì, trung tâm đào tạo SEO ở TP HCM, hướng dẫn cách tạo website bán hàng bằng WordPress,..
  • Theo độ dài từ khóa: Ronando, Covid, giá điện thoại iPhone 8 plus cũ tại Hà Nội, video bàn thắng của Anh Đức tại Chung kết AFF Cup 2018,…

Nghiên cứu từ khóa là làm gì?

Nghiên cứu từ khóa, hay còn gọi là keyword research là thuật ngữ chỉ cho quá trình sử dụng các công cụ, phương pháp, thủ thuật khác nhau nhằm tìm kiếm, phân tích các từ hoặc cụm từ mà mọi người thường dùng để tìm kiếm một tài nguyên thông tin trên Internet. Từ đó, xây dựng kế hoạch nội dung hướng đến những từ khóa mà người dùng cần tìm, mục đích sau cùng là tiếp cận được nhiều người xem hơn, đúng đối tượng hơn.

Nghiên cứu từ khóa là làm gì?
Nghiên cứu từ khóa là làm gì?

Mục đích của nghiên cứu từ khóa

Mục đích của việc nghiên cứu từ khóa thì rất đa dạng, phụ thuộc nhu cầu mà người thực hiện nghiên cứu cần. Trong khuôn khổ bài viết này, mình quy về 02 mục đích chính, bao gồm:

  • Thứ nhất là nghiên cứu, phân tích từ khóa để gia tăng lượng truy cập cho website. Hiểu nôn na là bạn tìm và liệt kê ra những từ khóa được người dùng sử dụng nhiều để làm cơ sở cho xây dựng nội dung;
  • Thứ hai là nghiên cứu, phân tích từ khóa hướng đến mục tiêu cụ thể, để tiếp cận đúng khách hàng. Hướng làm này sẽ làm giảm độ khó trong SEO và tối ưu chi phí quảng cáo.

Nghiên cứu từ khóa cần thu thập những thông tin gì?

Nghiên cứu từ khóa để SEO không yêu cầu quá khắt khe như nghiên cứu từ khóa để chạy quảng cáo tìm kiếm (SEM). Tuy nhiên, dù sao thông tin mà bạn tìm được, nghiên cứu được càng chất lượng thì chiến dịch SEO mới hiệu quả. Dưới đây là những thông tin mà bạn cần thu thập khi nghiên cứu từ khóa để SEO:

  • Liệt kê ra từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất (search volume) trong chủ đề mà bạn sẽ xây dựng. Lưu lượng tìm kiếm của từ khóa nên định lượng theo tháng. Ví dụ: Từ khóa “khóa học SEO” một tháng có bao nhiêu lượt tìm kiếm.
  • Khám phá thêm các từ khóa liên quan/ đồng nghĩa (keyword ideas) và lưu lượng tìm kiếm tương ứng của chúng. Ví dụ: Từ khóa chính là “khóa học marketing“, thì từ khóa liên quan có thể là “khóa học marketing online“, “khóa học digital marketing online“,…
  • Xem xét mức độ cạnh tranh của từ khóa (keyword competition). Thông thường, những từ khóa nào càng cụ thể thì mức độ cạnh tranh càng thấp. Ví dụ: Từ khóa “iphone cũ” được sử dụng phổ biến và mức độ cạnh tranh cao vì có quá nhiều đơn vị nói về chủ đề này. Và nếu bạn là một đơn vị nhỏ, chuyên bán điện thoại iPhone đã qua sử dụng tại TP HCM chẳng hạn, thì hãy nhắm đến từ khóa có độ cạnh tranh thấp hơn, như “cửa hàng bán iphone cũ uy tín tại tphcm” hoặc sản phẩm cụ thể: “giá iphone 7 plus cũ tại tphcm”. Khi đó làm SEO cũng dễ lên top hơn và chạy quảng cáo cũng tiếp cận đúng đối tượng hơn.

Trong khuôn khổ bài viết này mình sẽ không nói về nghiên cứu từ khóa trong quảng cáo tìm kiếm (SEM) vì nó khá chuyên sâu và cần phân tích, đo lường nhiều yếu tố để chiến dịch quảng cáo được tối ưu. Và sẽ có bài hướng dẫn nghiên cứu từ khóa quảng cáo Google Ads để bạn tham khảo sau.

Khi bạn SEO từ khóa, nếu đạt nhiều traffic từ tìm kiếm thì tốt, không gây thiệt hại gì cả. Nhưng nếu bạn chạy quảng cáo với từ khóa không nhắm đúng đối tượng khách hàng tiềm năng thì dẫn đến tỉ lệ nhấp quảng cáo cao trong khi khả năng mua hàng thấp >> như vậy chiến dịch quảng cáo không hiệu quả.

Xem ngay: Cách viết Blog giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi

Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa bằng Google Keyword Planner

Google Keyword Planner
Google Keyword Planner

Trước khi đi vào hướng dẫn chi tiết sử dụng công cụ Google Keyword Planner thì mình liệt kê bên dưới một số các công cụ nghiên cứu từ khóa khác để bạn tham khảo.

  • Google Trends (Miễn phí): Với công cụ này bạn dễ dàng khám phá được xu hướng tìm kiếm chung (tìm kiếm thịnh hành) về từ khóa theo từng chủ đề như: Âm nhạc, Thể Thao, Công Nghệ, Phim Ảnh,…
  • Google Keyword Planner: (Miễn phí cho tài khoản đăng ký cũ, tài khoản mới thì cần đóng tối thiểu 160.000đ để tạo chiến dịch đầu tiên). Công cụ này cung cấp đầy đủ các tính năng cơ bản để bạn phân tích, nghiên cứu từ khóa. Mình sẽ nói chi tiết bên dưới sau.
  • SEMRush (Trả phí): Đây là công cụ với nhiều tính năng nâng cao bên trong, nhưng hoàn toàn có thể dùng để nghiên cứu, phân tích từ khóa website của bạn và cả đối thủ.
  • Ahrefs (Trả phí): Đây cũng là một công cụ phân tích website và nghiên cứu từ khóa tương tự như SEMRush. Bạn có thể dùng để nghiên cứu, phân tích từ khóa website của bạn và cả đối thủ. Công cụ này rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
  • Keyword Tool (Trả phí): Nếu SEMRush và Ahrefs là công cụ phân tích website với nhiều tính năng và công cụ nghiên cứu từ khóa chỉ là một phần tính năng trong đó. Thì Keyword Tool là công cụ chuyên dụng để phân tích và nghiên cứu từ khóa.

Tổng quan về Google Keyword Planner

Đọc từ đầu bài đến đây thì chắc bạn cũng đã biết đó là công cụ nghiên cứu, lập kế hoạch từ khóa rồi đúng không nè. Ở đây mình sẽ nói chi tiết hơn về nó để bạn hình dung:

  • Google Keyword Planner chỉ là một mô đun tính năng trong bộ công cụ hỗ trợ cho nhà quảng cáo của Google Ads. Nếu bạn sử dụng giao diện tiếng Việt trong Google Ads thì công cụ này hiển thị với tên là Công cụ lập kế hoạch từ khóa.
  • Đây là công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí, tức là không phải nộp tiền hàng năm như các công cụ trả phí khác.
  • Google Keyword Planner cung cấp một số tính năng cơ bản đủ để bạn nghiên cứu từ khóa cho SEO và xây dựng kế hoạch từ khóa cho quảng cáo tìm kiếm.

Đăng ký tài khoản Google Ads để sử dụng Google Keyword Planner

Để sử dụng được công cụ Google Keyword Planner thì bạn phải đăng ký một tài khoản Google Ads. Dưới đây mình tạo mẫu một chiến dịch quảng cáo để đáp ứng các thủ tục đăng ký tài khoản Google Ads. Bạn tham khảo qua để làm theo đúng trình tự, không cần quá quan trọng ở cách làm, chủ yếu là để được dùng công cụ Google Keyword Planner thôi.

Bước 01: Bạn nhấn vào đăng ký tài khoản Google Ads (nếu chưa có). Sau khi nhấn vào link trên, bạn nhấn vào nút đăng ký như hình bên dưới. Nếu bạn đã có tài khoản rồi thì nhấp vào nút đăng nhập luôn nhé, không cần thực hiện các bước đăng ký như dưới đây nữa. Chuyển qua phần hướng dẫn sử dụng công cụ Google Keyword Planner luôn.

Nhấn nút đăng ký tài khoản Google Ads
Nhấn nút đăng ký tài khoản Google Ads

Bước 02: Chọn mục tiêu quảng cáo mong muốn và nhấn vào Tiếp như hình bên dưới.

Chọn mục tiêu quảng cáo mong muốn

Bước 03: Chọn đối tượng khách hàng mà bạn sẽ phục vụ. Bạn nên chọn mục phục vụ khách hàng trên mạng và nhấn nút Tiếp.

Chọn đối tượng khách hàng phục vụ
Chọn đối tượng khách hàng phục vụ

Bước 04: Điền tên doanh nghiệp của bạn tương tự như hình bên dưới. Ví dụ ở đây mình đặt là Hoàng Nam Mobile (ví dụ về một cửa hàng bán điện thoại đã qua sử dụng).

Điền tên doanh nghiệp của bạn
Điền tên doanh nghiệp của bạn

Bước 05: Điền vào trang web của bạn, như hình bên dưới mình điền ví dụ một trang web bán điện thoại đã có sẵn.

Điền vào trang web của bạn
Điền vào trang web của bạn

Lúc này nó chuyển sang trang tiếp theo và hiển thị trang web của bạn trong chế độ di động và máy tính, bạn nhấn vào nút Tiếp để sang bước sau.

Tham khảo: Google Entity Stacking làm sao cho đúng?

Bước 06: Điền đầy đủ thông tin tiêu đề và mô tả cho quảng cáo như hình bên dưới. Khi điền các thông tin này bạn xem qua phần hiển thị trước bên cạnh để xem như thế nào nhé.

Điền đầy đủ thông tin và tiêu đề cho quảng cáo
Điền đầy đủ thông tin và tiêu đề cho quảng cáo

Bước 07: Thêm chủ đề cho từ khóa.

Thêm chủ đề cho từ khóa
Thêm chủ đề cho từ khóa

Bước 08: Chọn khu vực hiển thị quảng cáo.

Chọn khu vực địa lý để hiển thị quảng cáo
Chọn khu vực địa lý để hiển thị quảng cáo

Bước 09: Đặt ngân sách quảng cáo mong muốn, để ngân sách mặc định là như bên dưới.

Đặt ngân sách quảng cáo mong muốn
Đặt ngân sách quảng cáo mong muốn

Bước 10: Xem lại chiến dịch của bạn, chỉnh sửa lại những mục nào bạn thấy cần.

Xem lại chiến dịch vừa tạo
Xem lại chiến dịch vừa tạo

Bước 11: Thêm phương thức thanh toán. Bạn có thể chọn thanh toán qua MoMo hoặc Visa. Bạn nào trước giờ nếu dùng Visa để thanh toán rồi thì cứ điền đúng các trường thông tin tài khoản vào thôi. Ở đây mình chọn hình thức thanh toán qua MoMo.

Nhập số tiền thanh toán tối thiểu là 160.000đ. Tức là bạn chấp nhận mất 160.000đ để có được công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí của Google. Về sau bạn không nạp tiền thì vẫn dùng tiếp bình thường.

Sau khi điền thông tin thanh toán xong, bạn tick vào mục đồng ý các điều khoản dịch vụ của Google Ads >> nhấn vào nút Gửi như hình bên dưới.

Thêm phương thức thanh toán
Thêm phương thức thanh toán

Bước 12: Lúc này bạn sẽ tiến hành xác nhận thanh toán qua MoMo, sẽ mất phí 160.000đ. nó sẽ hiện khung thanh toán như bên dưới, bạn xác nhận bằng quét mã QR code là được.

Xác nhận thanh toán qua MoMo

Sau khi thanh toán xong nó sẽ chuyển về trang thông báo đăng ký thành công Google Ads như bên dưới. Như vậy là hoàn tất phần đăng ký tài khoản Google Ads và công cụ Google Keyword Planner đã sẵn sàn để bạn trải nghiệm.

Hoàn tất đăng ký tài khoản Google Ads
Hoàn tất đăng ký tài khoản Google Ads

Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa bằng Google Keyword Planner

Để bắt đầu sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa Google Keyword Planner, bạn mở trang quản trị của Google Ads lên. Sau đó nhấn vào Công cụ và cài đặt >> LẬP KẾ HOẠCH >> Công cụ lập kế hoạch từ khóa như hình bên dưới.

Mở công cụ lập kế hoạch từ khóa trong Google Ads
Mở công cụ lập kế hoạch từ khóa trong Google Ads

Nhấn vào khung Khám phá từ khóa mới

Khám phá từ khóa mới
Khám phá từ khóa mới

Nhập vào từ khóa cần phân tích, sau đó nhấn nút xem kết quả.

Nhập vào từ khóa cần phân tích
Nhập vào từ khóa cần phân tích

Kết quả trả về là bạn có được rất nhiều thông tin như hình bên dưới.

Kết quả phân tích từ khóa
Kết quả phân tích từ khóa

Với một người sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa theo cách đơn giản nhất, bạn ưu tiên quan tâm 3 cột thông tin được đóng khung đỏ ở trên, trong đó:

  • Từ khóa liên quan: Là cột những từ khóa mà người dùng có xu hướng tìm kiếm nhiều. Hay có thể hiểu là ý tưởng từ khóa được đề xuất cho bạn.
  • Số lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng: Thông tin này giúp bạn trả lời câu hỏi: làm nội dung theo từ khóa này, từ khóa kia thì có nhiều người quan tâm hay không và số lượng khoảng bao nhiêu ?
  • Mức cạnh tranh: Đối với mục đích kinh doanh hoặc tiếp thị liên kết, mọi người thường lọc ra các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhưng phải có tỉ lệ cạnh tranh thấp để dễ SEO.

Để lọc từ khóa theo tiêu chí nào đó, ví dụ theo mức độ cạnh tranh thì bạn nhấn vào nút THÊM BỘ LỌC như hình bên dưới. Sau đó chọn thuộc tính cần lọc, ví dụ như Cạnh tranh chẳng hạn, chọn mức cạnh tranh là Thấp >> nhấn ÁP DỤNG để tiến hành lọc.

Thêm bộ lọc về ý tưởng từ khóa
Thêm bộ lọc về ý tưởng từ khóa

Kết quả sau khi lọc bạn sẽ được một  danh sách những từ khóa có mức cạnh tranh thấp như hình bên dưới. Nếu thấy từ khóa nào phù hợp thì mình xây dựng nội dung theo nó để SEO. Việc này trong SEO gọi là lựa chọn từ khóa ngách hoặc trong kinh doanh/ tiếp thị liên kết người ta gọi là chọn thị trường ngách để dễ SEO lên top và tối ưu hóa chi phí quảng cáo.

Kết quả sau khi thêm bộ lọc từ khóa
Kết quả sau khi thêm bộ lọc từ khóa

Một công việc khá quan trọng sau mỗi phân tích từ khóa đó là lưu lại kết quả. Để khi tiến hành thì chỉ cần mở ra xem thôi, không cần thực hiện lại quá trình phân tích từ khóa nữa. Bạn nhấn vào biểu tượng Tải về ở bên góc trên cùng bên phải của bảng phân tích từ khóa. Sau đó chọn lưu với định dạng Google trang tính >> đặt tên file để dễ quản lý >> chọn nơi lưu (trên Google Drive hoặc trên máy tính) >> nhấn nút Tải xuống.

Tải về file kết quả phân tích từ khóa
Tải về file kết quả phân tích từ khóa

Như vậy là hoàn tất cho một quy trình nghiên cứu từ khóa đơn giản và cơ bản. Đối với các chiến dịch SEO nâng cao và chạy quảng cáo Google Ads thì quy trình phân tích từ khóa sẽ chuyên nghiệp hơn những gì mình chia sẻ ở trên. Và tất nhiên mình không thể nêu hết chúng trong một bài viết này được.

Nếu bạn muốn trang bị cho mình một quy trình nghiên cứu từ khóa chuyên nghiệp và những công cụ hỗ trợ nâng cao và bổ trợ thêm nữa thì nên theo học một khóa học SEO hoặc khóa học chạy quảng cáo Google Ads. Ở đó sẽ có chương trình đào tạo bài bản để nắm được quy trình chuyên sâu hơn, hiệu quả và tối ưu chi phí hơn khi áp dụng vào công việc.

Có thể bạn cần: Hướng dẫn Disavow link bẩn chi tiết

Lời kết

Bài viết này mình đã trình bày khá chi tiết những vấn đề rất cơ bản về từ khóa, nghiên cứu từ khóa cũng như các bước để bạn đăng ký và sử dụng được công cụ Google Keyword Planner. Hy vọng nó giúp bạn có thêm trang bị để phục vụ cho công việc SEO và SEM (quảng cáo tìm kiếm) của bạn trong tương lai. Cuối cùng, nếu có điều gì thắc mắc hoặc đóng góp ý kiến thì có thể để lại bình luận bên dưới nhé ! Cảm ơn bạn và hẹn gặp lại trong các bài viết sau.

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.